- A-
- A+
Câu chuyện về Hoàng Đoan Trang - cô gái tuổi Dần với tài năng, cá tính mạnh mẽ và giấc mơ lan tỏa văn hóa nước nhà đã truyền cảm hứng cho nhiều bạn trẻ.
Hành trình định danh bằng văn hóa
Du học Mỹ từ năm 18 tuổi, Trang theo học hai ngành không liên quan mấy đến Việt Nam là Ngôn ngữ & Văn học Anh - Mỹ, Ngôn ngữ & Nghiên cứu Văn hoá Pháp. Nhưng chính quá trình du học và tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau đã cho Trang nhận ra giá trị của bản sắc mà mỗi cá nhân cần có để định danh được chính mình.
Hoàng Đoan Trang - 9X tuổi Dần với đam mê tìm về văn hóa. |
“Thời gian đầu, mình bị sốc văn hóa rất nhiều. Ở đây, mọi thứ quá khác biệt. Những gì mình từng coi là thói quen, những sinh hoạt gia đình truyền thống, những tập tục cúng lễ… đều trở nên thật thiếu thốn. Hơn nữa, mình còn theo ngành Văn học, một ngành cần gắn liền với văn hóa và đời sống. Càng học sâu, mình càng hiểu phương pháp nghiên cứu và có góc nhìn hệ thống hơn về văn hóa. Với mỗi thông tin học được, mình đều có phản xạ so sánh với những trải nghiệm trước đây ở Việt Nam. Lúc đó, mình bắt đầu có nhu cầu lục tìm lại văn hóa, lịch sử, đời sống của dân tộc để giữ được sự cân bằng. Mình rất sợ cảm giác mất gốc. Mất gốc không phải vì mình quên mình là người Việt Nam mà vì mình hiểu cái gốc lịch sử phương Tây nhiều hơn cái gốc của chính mình”, Trang chia sẻ.
Việc phải rời xa văn hóa Việt đã thôi thúc Trang tìm về nguồn cội. |
Không chỉ khám phá cho riêng mình mà ngay từ những năm tháng đại học, Trang đã bắt đầu hành trình lan tỏa văn hóa qua những hoạt động tích cực tại Hội Sinh viên Việt Nam (VSA) của trường. Bên cạnh đó, Trang cũng sớm mở ra nhiều lớp học về Giáo dục khai phóng cho bạn trẻ Việt qua hình thức online hoặc offline - soạn giáo trình và nhờ người khác dạy. Với Trang, lan tỏa văn hóa không cần là những hoạt động to tát mà chỉ đơn giản là cách sống, cách nói chuyện hằng ngày: “Khi có người tìm đến mình như một nguồn cảm hứng để khám phá về văn hóa, mình có trách nhiệm trao lại cho họ những gì đã từng là cảm hứng của mình. Mình là người đã đi rồi, mình cần chứng thực được con đường mình đi để những người đi sau có động lực đi trên con đường giống mình. Cảm hứng là một yếu tố vô cùng quan trọng khi tìm về văn hóa”.
Căn cước văn hóa được hình thành
Trở về Việt Nam, Trang cùng cộng sự đã thành lập Gavisto Diplomat. Đây là một dự án thông qua Giáo dục khai phóng để hỗ trợ các thế hệ trẻ am hiểu, ham học hỏi và thấm nhuần văn hóa Việt Nam, có khả năng khẳng định giá trị Việt trong quá trình tích lũy và tiếp nhận giá trị đa quốc gia. Gavisto đặc biệt ở chỗ những người đứng sau dự án đều còn rất trẻ nhưng lại có niềm đam mê và nhận thức sâu sắc về văn hóa.
“Mọi người nhìn vào thì sẽ thấy mọi thứ rất đơn giản. Sai thì sửa, hỏng thì làm lại. Nhưng với Gavisto thì không phải như vậy. Một khi đã chọn đại diện cho văn hóa, chỉ cần “sai một li sẽ đi một dặm”. Vậy nên khoảng thời gian đầu, chúng mình làm thì ít nhưng học thì rất rất nhiều. Đằng sau mỗi sản phẩm nhỏ được đưa ra đều là sự đầu tư công sức của rất nhiều người. Gavisto mới ra mắt được một năm thôi nhưng tính cả thời gian học hỏi thì chúng mình đã hoạt động được hai năm rồi”, Trang tâm sự.
Hướng đến mục tiêu duy trì sự cân bằng giữa giá trị Việt Nam và giá trị các nền văn hoá khác trong xu hướng hội nhập, các lớp học lịch sử của dự án đều được dạy bằng tiếng Anh nhằm biến những người học thành người dẫn đường tương lai trên hành trình văn hóa. Song, Gavisto vẫn luôn có những nội dung tiếng Việt khai thác văn hóa, lịch sử từ nhiều góc độ sáng tạo, thu hút. Nổi bật là dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” với nhiều buổi mạn đàm về văn hoá, lịch sử, giáo dục truyền thống của Việt Nam.
Lời ngỏ của dự án “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám”. |
Trong năm 2022, Trang hy vọng sẽ có thể tiếp tục đưa “Không gian Văn hóa Quốc Tử Giám” trở thành không gian sinh hoạt chủ yếu của khu di tích, dần trả lại cho nơi đây đúng chức năng trường học thay vì đơn thuần là nơi lễ bái. Trang cũng mong muốn tổ chức thường xuyên hơn những workshop và lớp học về Giáo dục khai phóng để biến chúng thành sản phẩm chủ chốt của Gavisto.
Trang cho rằng: “Không có cách nào để tìm hiểu về học tập tốt hơn việc trực tiếp xắn tay áo lên tham gia vào đó”. Vậy nên dù chỉ vừa tốt nghiệp Thạc sĩ ngành Lý luận và Phương pháp giảng dạy tại Victoria University (New Zealand) cách đây không lâu nhưng trong năm tới, Trang sẽ tiếp tục học thêm Hán văn và học chữ Nôm. Trang cũng chuẩn bị đăng ký học Tiến sĩ để tìm hiểu một cách quy củ hơn về lịch sử Việt Nam.
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/tai-nang-tre/can-cuoc-van-hoa-cua-co-gai-9x-tuoi-dan-404403.html
>