2022-05-19 14:55:43
  • A-
  • A+

Các chuyên gia cho rằng thực phẩm không trực tiếp gây dậy thì sớm ở trẻ nhưng nó là yếu tố gián tiếp gây ra dậy thì sớm.    

Thực phẩm và dậy thì sớm

TS BS Nguyễn Thị Thu Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bản thân bà tiếp xúc rất nhiều phụ huynh họ cho rằng không cho con uống sữa vì dậy thì sớm. Thực tế, tuổi dậy thì càng ngày càng sớm do nhiều tác động nhưng tới nay vẫn là dậy thì sớm vô căn.

Ở nữ vô căn chiếm 90%, ở bé nam 90% do tổn thương thần kinh trung ương thực thể hoặc nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương hoặc phơi nhiễm hooc môn sinh dục.

Còn thức ăn, TS Hậu cho biết bản chất nó không trực tiếp gây dậy thì sớm nhưng nó là các yếu tố ảnh hưởng tới dậy thì sớm. Ví dụ, các thức ăn làm em bé tăng trưởng nhanh hơn bình thường, thức ăn làm bé béo phì ảnh hưởng tới hệ nội tiết của bé.

Với trẻ béo phì, bác sĩ Hậu cho biết tế bào mô mỡ cũng có thể tiết ra các hooc môn nó gây trưởng thành sớm của cơ thể.

Bản thân thức ăn có chứa hooc môn tăng trưởng cũng làm ảnh hưởng tới quá trình dậy thì của trẻ. Bác sĩ Hậu cho rằng thức ăn công nghiệp, thức ăn sẵn quá nhiều làm trẻ dư cân gây ra dậy thì sớm. Hiện nay, các loại sữa được hiểu là có hooc môn tăng trưởng gây dậy thì sớm ở trẻ. Thực tế, bác sĩ Hậu cho rằng quan điểm này không đúng vì hooc môn tăng trưởng không rẻ để người ta cho vào.

Ảnh minh hoạ. 

Nguyên nhân chính là do con ăn uống không có kiểm soát gây béo phì. Nhiều phụ huynh thấy con béo quá cắt sữa không cho con uống, điều đó là sai lầm. Bởi vì theo bác sĩ Hậu mẹ nên chọn sữa phù hợp chứ không cắt hẳn. Bất cứ thực phẩm nào cũng phải chọn lọc rõ ràng cho phù hợp chứ không cắt hoàn toàn sẽ ảnh hưởng tới trẻ.

Với trẻ béo phì, bác sĩ Hậu khuyến cáo cha mẹ nên cho con đi khám để xác định trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm không. Bác sĩ có thể “can ngăn”dậy thì sớm để trẻ có cơ hội phát triển tốt nhất.
 
Dấu hiệu đầu tiên cảnh báo bé dậy thì

Theo TS.BS Huỳnh Thị Vũ Quỳnh, Trưởng Khoa Thận nội tiết, Bệnh viện Nhi Đồng 2, hiện nay tình trạng trẻ dậy thì sớm ngày càng gia tăng không riêng ở Việt Nam mà trên cả thế giới. Tuổi dậy thì của trẻ ngày càng đi xuống.

Cách đây 1 thế kỷ tuổi dậy thì trẻ gái 16 – 17 tuổi, hiện tại giảm còn 12 – 13 tuổi, tỷ lệ trẻ dậy thì sớm cũng gia tăng.

Tại BV Nhi đồng 2 số bệnh nhân đến khám dậy thì sớm ngày càng gia tăng, năm sau tăng hơn năm trước. BS Quỳnh cho biết thời gian tới là nghỉ hè mỗi ngày có 20 – 30 trẻ đến khám dậy thì sớm, trong đó có 5 – 6 trẻ phải nhập viện điều trị sớm.
 
BS Quỳnh tiếp nhận nhiều bé gái 7, 8 tuổi đã có lông nách, ngực to nhưng cha mẹ nghĩ rằng phải có kinh mới dậy thì. Thực tế, đây là biểu hiện của trẻ đã dậy thì nhưng để chẩn đoán mức độ dậy thì sớm hay bình thường thì cần khám cho chính xác.

Trẻ dậy thì sớm từ khi trẻ có ngực được tính dậy thì sớm. Từ khi có ngực tới khi có kinh nguyệt diễn tiến khoảng 2 năm và thời gian tính dậy thì sớm là từ khi trẻ gái có phát triển ngực. BS Quỳnh khuyến cáo cha mẹ nên quan tâm để ý con cái có các biểu hiện ngực phát triển.

Trẻ dậy thì sẽ tăng chiều cao nhanh, nếu trẻ có ngực phát triển thì sẽ có lông nách, lông mu… sau đó mới có kinh nguyệt. Khi có kinh nguyệt thì chiều cao của trẻ tăng chậm lại từ từ thêm vài năm sau đó chiều cao của trẻ sẽ ngưng lại.  

Hậu quả của trẻ dậy thì sớm theo các bác sĩ BV Nhi đồng 2, với những thay đổi trên cơ thể của trẻ dậy thì sớm khác với những trẻ cùng trang lứa sinh ra những vấn đề tâm lý làm cho trẻ ngại ngùng, dễ làm cho trẻ có tâm lý tự ti và để lại di chứng cho trẻ sau khi trưởng thành.

Dậy thì đi kèm theo những thay đổi về tâm lý, hành vi, nhận thức của trẻ, thông thường trẻ thường có xu hướng muốn khám phá, tìm tòi những vấn đề riêng biệt, nhạy cảm, kèm theo đó là những bất ổn về cảm xúc, thường xuyên cáu gắt…

Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/cho-con-an-kieu-nay-rat-de-day-thi-som-411236.html