2022-02-15 15:57:11
  • A-
  • A+

Ngày nay, dù có nhiều món ngon bắt mắt, bánh trôi (chè trôi nước) làm từ bột nếp vẫn được ưa chuộng.

 

Ngày nay, dù có nhiều món ngon bắt mắt, những viên chè trôi nước làm từ bột nếp vẫn được ưa chuộng. Từ những viên bánh trôi nhân ngọt truyền thống tròn xoe đến những viên bánh trôi được tạo hình phong phú (bánh trôi hình trái đào, bánh trôi hình các nhân vật hoạt hình, bánh trôi 3D cẩn hoa lá bên ngoài lớp vỏ, bánh trôi ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành…) đều rất bắt mắt.

 

Nguồn gốc của bánh trôi

 

Chén chè trôi nước trong tết Nguyên tiêu được gửi gắm khát vọng bình an

 

Nhiều người vẫn nhầm lẫn giữa món bánh trôi tết Nguyên tiêu (15 tháng Giêng âm lịch) với bánh trôi trong tết Hàn thực (mùng Ba tháng Ba âm lịch). Tuy cách làm và hình dạng gần giống nhau, món bánh trôi (chè trôi nước) tết Nguyên tiêu có từ thời Trung Hoa cổ đại, sau du nhập sang các nước châu Á (trong đó có Việt Nam) rồi dần trở nên quen thuộc. Riêng món bánh trôi trong tết Hàn thực mà người Việt thường nấu là món ăn cổ truyền của miền Bắc nước ta, bắt nguồn từ sự tích Con rồng cháu tiên.

 

Món bánh trôi phổ biến ở miền Nam nước ta là một dạng bánh thang viên của người Hoa. Cùng là bánh trôi nhưng có hai cách làm và tên gọi khác nhau: bánh Nguyên tiêu được gọi theo tên cô hầu nữ trong vương triều thời Hán Vũ Đế và bánh thang viên chỉ sự viên mãn, trọn vẹn.

 

Bánh trôi của người Hoa gắn liền với câu chuyện hầu nữ Nguyên Tiêu nhiều năm liền không được rời cung điện về thăm gia đình. Vì nhớ người thân và tủi phận, nàng có ý nhảy lầu quyên sinh. May mắn thay, nàng được một vị tướng cứu sống. Vị tướng này nghĩ ra cách gieo quẻ “kinh thành sẽ bị thiêu rụi trong đêm rằm tháng Giêng” khiến Hán Vũ Đế kinh sợ.

 

Vị tướng nhân đó bày mưu cho vua quan và quần thần bày lễ cúng, sau là yến tiệc linh đình, thắp đèn lồng đỏ rực suốt đêm trong kinh thành để người nhà trời tưởng kinh thành bị hỏa thiêu đúng như lời nguyền. Nàng hầu Nguyên Tiêu vốn có tài làm bánh nếp rất ngon nên Hán Vũ Đế đã lệnh cho nàng trổ tài nấu bánh, bày mâm lễ. Đêm rằm tháng Giêng, người dân kinh thành nô nức trẩy hội, nhờ vậy Nguyên Tiêu được đoàn tụ gia đình.

 

Từ điển tích này, bánh trôi cúng rằm tháng Giêng được gọi là bánh Nguyên tiêu. Rằm tháng Giêng vì thế được gọi là tết Nguyên tiêu với ý nghĩa đoàn viên, trọn vẹn.

 

Bánh Nguyên tiêu có phần nhân được làm từ hạt óc chó, hạt dưa, bánh sơn tra, đường đỏ. Tất cả hòa trộn rồi nhào cùng bột nếp thành khối, hong gió cho khô rồi mang đi cắt hạt lựu. Những hạt nhân này được cho vào lớp bột nếp trên một cái nia, người ta sàng nia qua lại sao cho bột nếp bám dày vào nhân thành lớp vỏ áo. Đây là lý do chén bánh trôi Nguyên tiêu nguyên bản không được bóng bẩy, nước cũng ngầu đục, không trong veo như bánh thang viên sau này.

 

Bánh thang viên có lớp vỏ được nhào bằng bột nếp và nước, cán mỏng rồi gói viên nhân vào giữa, túm lại, se tròn, sau khi luộc sẽ được những viên bánh bóng bẩy, da dẻ láng mịn.

 

Món bánh trôi của người Việt gần giống với bánh thang viên ở khâu nhồi bột áo. Nhờ vậy, mặt bánh mịn màng duyên dáng. Chè trôi nước của miền Nam cũng là phiên bản giống bánh trôi thang viên nhất ở cả bột áo, nhân đậu xanh và nước đường nấu cùng gừng xắt nhuyễn chan lên bánh. Bánh trôi miền Bắc vì có nhân là viên đường phên nên hầu như không ăn cùng nước chan, chỉ thêm ít mè rang lên mặt bánh và ít dừa nạo nhuyễn nhằm tăng vị  ngọt, béo. 

 

Món bánh cầu bình an

 

 

Nguyên tiêu hay rằm tháng Giêng là rằm lớn nhất trong năm, khởi sự suôn sẻ, mọi sự bình an cũng là một phần ước nguyện được người người gửi gắm trong đêm trăng đẹp này bởi theo quan niệm của người xưa, cúng lễ cả năm cũng không bằng rằm tháng Giêng. 

 

Chén bánh trôi trong mâm lễ tết Nguyên tiêu vì vậy mà được chăm chút kỹ lưỡng hơn ngày thường. Những viên bánh trôi mịn màng sáng đẹp như khuôn trăng tròn. Nước gừng thơm dịu, đường mật ngọt thanh. Nhân đậu xanh trong bánh được sên vừa lửa, quyện lại vừa dẻo mềm vừa thơm bùi.

 

Tiêu chí để có một chén bánh trôi ngon theo kiểu miền Nam là những viên bánh được xe đều tay, tròn đầy nằm gọn trong chén nước gừng màu ngà. Vài sợi gừng xắt mỏng thả trong nước vừa giúp món ăn dậy mùi thơm vừa làm ấm bụng, dễ tiêu. Nước cốt dừa thắng cùng bột năng thành hỗn hợp sệt chan lên mặt bánh cùng ít mè rang nhất định làm ưng bụng những ai ưa vị béo.

 

Sau này, nhiều người lại thích thêm vài cọng lá dứa (lá nếp) vào nồi nước gừng để tạo vị thơm nhẹ cho món ăn. 

 

Để làm ra một chén chè trôi nước thơm ngon mất khá nhiều công đoạn. Ngày nay, với các loại bột làm bánh có sẵn, người ta làm chè trôi nước nhanh gọn hơn. Thế nhưng ở thời của má tôi, muốn làm chè trôi nước phải mang gạo nếp ngon đến cửa hàng tạp hóa nhờ xay thành bột. Gạo nếp ngâm nước qua đêm cho mềm, vớt ra xay trong cối đá cùng một lượng nước vừa phải thành một thứ nước bột trắng đục. Nước bột đó được đổ vào bao tải hoặc vải mùng, để lên rổ đặt chỗ cao, phía dưới là thau nhôm hứng nước. Đặt túi bột ở yên đó, dằn thêm tấm thớt nặng lên, sau một đêm nước chắt ra hết, bột khô mới mang đi nhồi làm vỏ bánh.

 

Món chè trôi nước được nhuộm những sắc màu tươi mới

 

Kinh nghiệm của má tôi là khi nhồi bột phải lường đúng tám phần nếp, hai phần gạo tẻ, nhồi với nước sôi cho kỹ thì những viên trôi nước mới mềm dẻo, để được lâu mà không bị hôi chua hay sượng cứng. 

 

Sau này, nhiều người biến tấu phần vỏ bánh từ bột nếp nhồi với bí đỏ, khoai lang tím, trà xanh… để cho ra phần vỏ bánh màu sắc rực rỡ. Song, bánh trôi truyền thống với màu trắng ngà vẫn giữ nguyên giá trị trong những hoài niệm xưa cũ về món bánh đêm Nguyên tiêu. Bởi lẽ phần hồn cốt lõi của món bánh chính là sự vén khéo ở khâu nhồi bột, xe bột và luộc bột thật nhuần nhuyễn.

 

Tôi vẫn nhớ như in cách chia bột thủ công nhưng đều tăm tắp của má tôi, túm phát nào là tròn xoe phát đó. Phần bột dư, má cho đám con hí hoáy xe thành những viên tròn nhỏ xíu như viên bi, thả luôn vô nồi nước luộc. Những viên bi đó cũng có tên gọi hẳn hoi: chè ỷ. 

 

Những viên bột sẽ được mang đi luộc qua nước sôi để bánh chín. Nước sôi, bột lần lượt được thả vào nồi. Bánh chín sẽ tự động trồi lên trên mặt nước, bột đổi màu trắng trong, da mịn. Khâu này là lúc đánh giá chất lượng viên bánh: không bể, không méo, dẻo, mềm là đạt. 

 

Nồi nước đường được nấu trong khi chờ luộc bánh. Khi nước đường tan hết, sôi lên, thả nhúm gừng xắt nhuyễn vào cho dậy mùi thơm. Bánh chín được vớt ra chén, múc thêm vá nước đường chan ngập bánh. Nếu thích thì chan thêm nước cốt dừa, rắc ít dừa nạo, mè rang. Bằng không, cứ vậy mà xếp lên mâm, món bánh ấy đủ làm thơm lòng mát dạ một mùa Nguyên tiêu. 

 

 

Theo: infonet.vietnamnet.vn

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/don-tet-nguyen-tieu-ben-chen-banh-troi-404362.html