- A-
- A+
Nam sinh Nguyễn Trung Kiên (18 tuổi, Hà Nội) từng vỡ òa sung sướng khi nhận thư báo trúng tuyển từ Đại học Rice (Mỹ) nhờ bài luận về cờ vua.
Nguyễn Trung Kiên kể hành trình của mình đến với trường đại học top đầu nước Mỹ đầy chông gai khi Covid-19 ập đến khiến nam sinh liên tục phải thay đổi quyết định.
“Vốn thích tự lập nên em quyết định tự làm hồ sơ ứng tuyển du học. Trước đó em cũng từng tự ôn tập và thi SAT nhưng chỉ đạt 1440/1600 - một mức điểm thấp, không đúng với kỳ vọng của các trường top đầu ở Mỹ.
Sau đó dù em đã cố gắng ôn tập và tự tin giành điểm cao hơn bởi thi SAT phụ thuộc nhiều vào việc luyện đề, nhưng em vẫn không thể cải thiện điểm số bởi đăng ký 5 lần nhưng đều bị huỷ hoặc hết suất do ảnh hưởng của Covid-19”, Kiên nhớ lại hành trình đầy gian nan của mình.
Trong quá trình làm hồ sơ du học, Kiên từng nộp hồ sơ ứng tuyển tới 14-15 trường, tuy nhiên do điểm số khiêm tốn, bài luận cũng không có quá đặc sắc nên Kiên trượt gần hết.
Nguyễn Trung Kiên - tân sinh viên Đại học Rice (Mỹ) |
“15 trường và em chỉ trúng có 2 trường nhưng nó như sự vớt vát thôi và cũng không phải trường em yêu thích nên em quyết định không nhập học. May mắn điều này được gia đình ủng hộ bởi bố mẹ đều nghĩ em chưa đủ kỹ năng và chín chắn để bắt đầu hành trình mới ở đất nước xa xôi”, Kiên kể.
Đến tháng 8/2021, trong khi nhiều bạn lên đường sang Mỹ, Kiên bắt đầu hành trình ứng tuyển lại và đặt mục tiêu phải đến Đại học Rice (Mỹ) để học ngành Tài chính sau khi nam sinh này tìm hiểu và lựa chọn kỹ càng.
Nhìn lại những gì đã có, điểm SAT khá thấp nên nam sinh này quyết định không nộp điểm SAT để ứng tuyển vào Đại học Rice.
“Với sự gợi ý của người có kinh nghiệm và sự hỗ trợ của trung tâm du học, em hiểu rằng bài luận cá nhân thể hiện suy nghĩ hay quan điểm bản thân không phải là hướng đi duy nhất. Em liền suy nghĩ rộng ra rồi nghĩ đến một bài luận xoay quanh cờ vua - môn thể thao trí tuệ em yêu thích từ bé.
Nghĩ được đến vậy nhưng em vẫn xoay xở trong nhiều tháng bởi những suy nghĩ xung quanh nó. Em từng tính sẽ viết về chiến thật chơi cờ hay một kỷ niệm, bài học nào đó trong một lần chơi, thi đấu môn này. Những ý tưởng cứ lướt qua trong đầu khiến em không thể sớm có bài luận hoàn chỉnh mà chỉ hoàn thành trước thời điểm nộp hồ sơ đúng một ngày”, Kiên nhớ lại.
Trong bài, Kiên cho biết khi chơi cờ, em nhận thấy mọi quân cờ đều có giá trị riêng của nó. Ngay cả "con tốt" - quân thấp nhất mà nhiều người vẫn hay coi thường, cũng có vai trò rất quan trọng.
Khi tới được hàng cuối cùng của bàn cờ đối diện, nó sẽ được phong cấp thành một trong các quân "hậu", "tượng", "mã" hoặc "xe" theo ý của người chơi và có thể thành nhân tố xoay chuyển cục diện ván cờ.
Kiên cho rằng quân "tốt" trong bàn cờ là đại diện cho số đông, cho "những con người bình thường" trong xã hội nhưng lại đóng vai trò quan trọng hơn cả. Kết thúc bài, em đưa trích dẫn của nhà ngoại giao Pháp Paul de Foix: "Mất một con tốt có thể là một vấn đề nhỏ, nhưng tổn thất đó sẽ là tổn thất của cả một ván đấu".
Nhờ bài luận đặc biệt này mà một ngày giữa tháng 12/2021, Nguyễn Trung Kiên - cựu học sinh hệ Song bằng trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam nhận được thư từ Đại học Rice thông báo em trở thành tân sinh viên khoá 2022-2026 của trường.
"Em rất bất ngờ với thông báo của nhà trường vì thực tế điểm SAT là một trong những lợi thế khi ứng tuyển du học nhưng em lại không nộp điểm SAT vì điểm của mình quá khiêm tốn trong khi trường em mong muốn theo học lại đứng trong top đầu ở Mỹ", Kiên vui mừng nói.
Thời gian tới, Kiên hy vọng bản thân cải thiện được khả năng giao tiếp, tiếp tục công việc thực tập tại một công ty bất động sản trước khi sang Mỹ nhập học vào tháng 8/2022.
Được biết, heo bảng xếp hạng đại học Mỹ của US News & World Reports, Đại học Rice xếp thứ 17 trong danh sách đại học quốc gia tốt nhất nước Mỹ năm 2020, đồng hạng với Đại học Cornell.
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/tai-nang-tre/hanh-trinh-gian-nan-cua-nam-sinh-trung-tuyen-dai-hoc-my-nho-bai-luan-ve-co-vua-404461.html
>