2022-06-03 16:24:30
  • A-
  • A+

Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, trẻ ăn nhiều vải khi đói không tốt. Do đó, trẻ em chỉ nên ăn khoảng 100g mỗi ngày và đặc biệt không ăn khi đói.

Nhiều tác dụng 

Vải là loại trái cây hấp dẫn đang vào mùa được nhiều người ưa thích. Tiến sỹ, lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, vải có giá trị dinh dưỡng cao, chứa một lượng chất xơ và vitamin C dồi dào cũng như các vi chất dinh dưỡng khác như: Đồng, Vitamin B6 và Kali.

Thành phần dinh dưỡng trong 100g quả vải thô chứa khoảng: 63 calo, carbohydrate 16g, protein 0,8g, lipid 0,4g, chất xơ 1,2g, vitamin C 68mg, đồng 0,1 mg, vitamin B6 0,1g, kali 162mg, riboflavin 0,05g, folate 23μg, niacin 0,5mg, phospho 29mg, magie 9mg, mangan 0,05mg… Ngoài các chất dinh dưỡng được liệt kê ở trên, vải còn chứa một lượng nhỏ Sắt, Selen, Kẽm và Canxi.

Với thành phần dinh dưỡng phong phú, trao đổi với phóng viên, lương y Phùng Tuấn Giang cho biết quả vải mang lại nhiều lợi ích đối với sức khoẻ con người.

Lợi ích đầu tiên, vải giúp tăng cường chức năng miễn dịch, bởi vải chứa nhiều vitamin C, là chất chống oxy hóa mạnh mẽ để chống lại tác hại của các gốc tự do và tối ưu hóa sức khỏe của hệ miễn dịch. Vì lý do này, việc bổ sung đủ vitamin C trong chế độ ăn uống rất quan trọng để ngăn ngừa nhiễm trùng và tăng cường sức khỏe, đặc biệt là khi bị ốm.

Thứ hai, quả vải là một món ăn tuyệt vời cung cấp chất chống oxy hóa, flavonoid và anthocyanins, bao gồm các loại như axit gallic, chrysanthemin, antirrhinin, oenin và giàu vitamin C.

Vải có rất nhiều lợi ích với sức khỏe con người.

Quả vải cũng hỗ trợ giảm viêm. Theo đó, các nghiên cứu cho thấy vải có thể giúp kiểm soát chứng viêm. Tính chất giàu flavonoid của quả vải có hiệu quả trong việc ngăn chặn sự biểu hiện của một số gene liên quan đến quá trình viêm. Các chất chống oxy hóa trong quả vải là những hợp chất có thể giúp giảm viêm và ngăn ngừa sự tích tụ của các gốc tự do trong cơ thể.

Lương y Phùng Tuấn Giang thông tin thêm, các nghiên cứu cho thấy vải còn có thể giúp hỗ trợ kiểm soát lượng đường huyết, giúp cơ thể duy trì mức đường huyết bình thường trong thời gian dài. Điều này là do vải là một nguồn chất xơ tuyệt vời. Chất xơ có thể giúp ổn định lượng đường huyết bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ đường trong máu để cung cấp năng lượng lâu dài cho các tế bào.

 

Ngoài tác dụng chống oxy hóa, chống viêm của loại trái cây nhiệt đới này, một số nghiên cứu cho thấy vải còn có đặc tính kháng virus mạnh mẽ. Đồng thời, theo một đánh giá năm 2017 được công bố trên Tạp chí Nutrients, cùi, vỏ và hạt của quả vải đều chứa các hợp chất mạnh có thể ức chế sự hình thành khối u và ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Ăn vải không đúng cách có thể gây ra các bệnh nguy hiểm

Theo Y học cổ truyền phương Đông, quả vải được tính ôn; vị ngọt, chua; quy các kinh tỳ, can... Vải có tác dụng bổ huyết, sinh tân, chỉ khát. Theo y học truyền thống Ấn Độ (Ayurvedic), vải được sử dụng để cải thiện sức khỏe tiêu hóa, hỗ trợ sinh sản và cải thiện sức khỏe thần kinh.

Tuy nhiên, vì tính ôn ấm của vải, các chuyên gia khuyên chúng ta nên tiêu thụ vải ở mức vừa phải (khoảng 200g mỗi ngày) để giảm nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Lương y Phùng Tuấn Giang cảnh báo, các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tiêu thụ nhiều vải chưa chín khi bụng đói có thể gây ra tình trạng bệnh não hạ đường huyết (hypoglycemic encephalopathy) ở trẻ em, có thể là do sự hiện diện của một hợp chất axit methylene cyclopropyl acetic (MCPA) được tìm thấy trong hạt của quả gây nên.

“Vì lý do này, người ta thường khuyên trẻ em nên ăn vải vừa phải (khoảng 100g mỗi ngày) và không nên ăn khi đói”, Tiến sỹ, lương y Phùng Tuấn Giang nhấn mạnh.

Hơn thế nữa, đây cũng là loại trái cây có lượng đường tương đối cao, vải đóng hộp có thể có lượng đường cao hơn, vì vậy điều quan trọng là phải kiểm soát lượng ăn vào để tránh các tác động xấu đến sức khỏe như tăng cân và lượng đường trong máu cao.

Mặc dù hiếm gặp, một số người cũng có thể bị dị ứng với vải, gây ra các triệu chứng như nổi mề đay, ngứa, mẩn đỏ và sưng tấy. Do đó, lương y Phùng Tuấn Giang lưu ý, nếu những triệu chứng này hoặc bất kỳ triệu chứng nào khác xảy ra sau khi ăn vải, hãy ngừng sử dụng và đến cơ sở y tế để được khám và có sự tư vấn từ bác sĩ.

Theo: infonet.vietnamnet.vn

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/nhung-nguoi-dai-ky-voi-qua-vai-nguoi-binh-thuong-nen-an-bao-nhieu-qua-moi-ngay-412306.html