- A-
- A+
Bằng tất cả sự nỗ lực và lòng kiên định, chị Uyên Nhi đã vượt qua áp lực tài chính, điều kiện sức khỏe để hoàn thành giấc mơ lấy bằng Tiến sĩ tại Nhật Bản.
Chị Uyên Nhi với tấm bằng Tiến sĩ chuyên ngành Vật lý tại Đại học Sokendai. |
Luôn cố gắng trong mọi hoàn cảnh
Sinh ra và lớn lên tại Thừa Thiên - Huế trong một gia đình tương đối khó khăn, ngay từ những năm tháng đi học, chị Quách Mỹ Uyên Nhi (33 tuổi) đã luôn tự nhủ phải nỗ lực thật nhiều để có được học bổng cũng như đi làm thêm phụ giúp tài chính cho gia đình.
Ấp ủ giấc mơ đi du học, năm 2010 sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý tiên tiến, Đại học Sư phạm Huế, chị đã thuyết phục ba mẹ cho ra Hà Nội ôn luyện tiếng Anh để chuẩn bị cho con đường ra nước ngoài.
Từ một cô gái Huế luôn được gia đình bao bọc, không được phép đi xa nhà quá 10km, nay một mình chị Uyên Nhi chân ướt chân ráo ra thủ đô, xung quanh không có người thân, bạn bè hỗ trợ, mọi thứ quá mới lạ và bỡ ngỡ đôi lúc cũng khiến chị cảm thấy cô đơn và tủi thân.
Với một sinh viên vừa ra trường, để có thể trang trải tiền sinh hoạt cũng như lệ phí thi cử, chị Nhi đã phải làm thêm rất nhiều công việc. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đó, chị chia sẻ: “Hồi mới ra Hà Nội, muốn thuê một căn phòng giá rẻ một chút, tôi đã liên tục gõ cửa hỏi thuê từng nhà suốt mấy tuần liền. Hay có những khi bị chậm lương, ròng rã 3-4 ngày tôi chỉ ăn cơm với nước mắm vì tiền trong túi còn chưa đến 10 nghìn đồng”.
Cuộc sống khi ấy thiếu thốn nhưng chưa bao giờ chị Nhi có ý định từ bỏ giấc mơ du học. Để hoàn thiện bộ hồ sơ du học thì bắt buộc phải thạo tiếng Anh, trong khi số tiền kiếm được của chị chỉ đủ trang trải sinh hoạt thường ngày, vậy nên thay vì theo các khóa ôn luyện tiếng Anh đắt đỏ, chị tham dự các buổi học miễn phí của Đại sứ quán Mỹ, rồi làm quen với các bạn sinh viên, lập ra các hội nhóm online để ôn thi TOEFL và GRE. Song song với đó, chị cũng tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến chuyên ngành mà mình đang theo học.
May mắn sau một lần tham dự trại hè, chị Uyên Nhi đã có cơ hội trò chuyện với vị giáo sư người Nhật, được ông khen ngợi về sự thông minh và cách suy nghĩ nhạy bén.
Sau đó, chính vị giáo sư ấy đã tài trợ mọi chi phí cho chị tham quan hai tuần tại Đại học Sokendai – một trong những ngôi trường nghiên cứu nổi tiếng top đầu thế giới trong ngành Vật lý.
Chị Nhi xúc động kể lại: “Lúc nhận được email, tôi cứ ngỡ như là mơ. Tôi thuật lại câu chuyện cho gia đình thì ba mẹ tôi vẫn nửa tin nửa ngờ, xen lẫn lo lắng vì không biết kiếm đâu ra 20 triệu cho con gái để mua vé máy bay”.
Thế rồi chị cũng đến được Nhật Bản. Lần đầu tiên trong đời ra nước ngoài, được tham quan Viện nghiên cứu – nơi rất nhiều sinh viên hằng ao ước. Sau hai tuần ở đó, chị hạ quyết tâm nhất định phải quay lại ngôi trường này.
“Luôn luôn cố gắng, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng phải ghi nhớ rõ mục tiêu ban đầu của mình” – chị Uyên Nhi nói. |
Bằng những nỗ lực không ngừng, năm 2013, chị Nhi đã đỗ chương trình thạc sĩ kết hợp tiến sĩ tại ngôi trường mà chị luôn ao ước. Những tháng ngày đầu làm nghiên cứu sinh đã đem lại cho chị những cảm xúc tuyệt vời.
Sau 8 tháng học thạc sĩ, chị Nhi vinh dự là một trong ba sinh viên được chọn tham dự báo cáo tại hội nghị quốc tế ở Pháp có mặt các giáo sư đầu ngành. Tại đây, bài báo cáo của chị được các thầy cô đánh giá tốt. Ngoài ra, chị còn đạt thành tích tốt trong các cuộc thi dành cho sinh viên ở trường.
Đường đến thành công không trải hoa hồng
Mọi khó khăn bắt đầu ập đến với chị Nhi khi nguồn tiền học bổng của chị cạn dần. Chị chia sẻ: “Vì những thủ tục chồng chéo rắc rối của Nhật nên suốt một khoảng thời gian dài tôi không nhận được học bổng nữa. Áp lực về tiền bạc, công việc đã khiến tôi bị bệnh nặng. Không thể xoay xở sinh hoạt phí cũng như tiền khám chữa bệnh, tôi đành bất lực quay trở về Việt Nam, tạm thời gác lại việc học ở đây”.
Sau 8 tháng ở Nhật, chị Nhi đã vinh dự được tham gia báo cáo tại hội nghị quốc tế tổ chức ở Paris, Pháp. |
Chuyến bay trở về Việt Nam mang theo sự bất an và nỗi sợ hãi luôn bủa vây cô gái trẻ. Mặc cảm vì nghĩ rằng bản thân đã thua cuộc, chị Nhi còn ngại ngùng trở về nhà.
“Lúc đó, tôi định thần lại và tự nhủ “thay đổi hay là chết”. Cuối cùng tôi đã lựa chọn thay đổi. Về Việt Nam, tôi vừa xoay xở với căn bệnh vừa kiếm tiền để trang trải cho cuộc sống ở Nhật khi quay lại, đồng thời chứng tỏ cho giáo sư là mình vẫn có năng lực để hoàn thành chương trình tiến sĩ”.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, chị Nhi đã lựa chọn bán hàng online. Giai đoạn đầu, chị gặp phải sự phản ứng dữ dội từ phía bên Nhật, bởi họ không chấp nhận một nghiên cứu sinh ở Viện nghiên cứu quốc tế danh giá lại đi bán hàng online.
Chị chia sẻ: “Mọi người bên đó phản ứng khá gay gắt. Có thể với nhiều người, bán hàng online là vì đam mê hoặc cho vui. Còn tôi, lúc ấy là để kiếm tiền thực sự. Một khi đã làm gì, tôi cũng ráng cố hết sức, chưa kể đây là mặt hàng liên quan đến sức khỏe nên tôi vô cùng cẩn trọng”.
Sau một khoảng thời gian, chị may mắn được mọi người hiểu, thông cảm và tin tưởng nên tình hình cũng khởi sắc hơn. Tích cóp được một khoản tiền, chị Nhi đã tìm cách quay lại trường và tiếp tục xin được học bổng.
“Ở Viện của tôi, tất cả các nghiên cứu sinh chỉ làm một việc duy nhất đó là tập trung vào nghiên cứu. Nhưng những năm cuối của chương trình tiến sĩ, ngoài việc nghiên cứu, tôi còn đi làm thêm, đồng thời duy trì việc kinh doanh ở Việt Nam”- chị Nhi chia sẻ.
Ngày bảo vệ luận án, cảm xúc như vỡ òa khi chị nhận được thông báo của giáo sư hướng dẫn: “Chúc mừng tiến sĩ Quách, em đã nỗ lực rất nhiều. Em thật xứng đáng”.
Nụ cười hạnh phúc của chị Nhi khi cầm trên tay tấm bằng Tiến sĩ mà chị đã chờ mong bấy lâu. |
Sau khi hoàn thành khóa học, chị Nhi tiếp tục gặp khó khăn, sợ mắc kẹt ở Nhật vì dịch bệnh Covid-19 bùng phát.
“Tôi nộp đơn lên Đại sứ quán mấy tháng trước và chờ đợi trong sự lo lắng, thấp thỏm. Cuối cùng, cũng nhận được email thông báo có suất về nước. Khi chia tay, các giáo sư đều chúc mừng và nhắn gửi những lời động viên. Họ không ngờ tôi có thể quay trở lại và tiếp tục việc học. Họ rất tự hào về tôi” - chị Nhi tâm sự.
Nhìn lại chặng đường chinh phục tấm bằng Tiến sĩ trên đất nước mặt trời mọc suốt 7 năm qua, có biết bao kỷ niệm và bài học đáng quý mà chị Uyên Nhi sẽ không thể nào quên. Những khó khăn, áp lực đã tôi luyện sự quyết tâm và lòng kiên định giúp chị hoàn thành giấc mơ đời mình.
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/tai-nang-tre/ne-phuc-co-gai-ngheo-7-nam-chinh-phuc-bang-tien-si-tren-dat-nhat-281760.html
>