2022-07-20 10:32:40
  • A-
  • A+

(1) “Gender inequalities in physical activity among adolescents from 64 Global South countries” (Không cân bằng giới tính trong hoạt động thể chất ở thanh thiếu niên từ 64 quốc gia Nam Bán cầu), tác giả Luiza Isnardi Cardoso Ricardovà các cộng sự, được công bố online ngày 21/01/2022, Journal of Sport and Health Science (SJR: Q1). Trong thời kỳ thanh thiếu niên thường xảy ra một số thay đổi về thể chất, sinh học và tâm lý xã hội và có thể dẫn đến những thay đổi trong sức khỏe tổng thể của thanh thiếu niên cùng với những tác động tiêu cực đến hạnh phúc của họ. Hoạt động thể chất (Physical Activity – PA) là một ví dụ về hành vi lành mạnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi trách nhiệm học tập, gia đình và nghề nghiệp ngày càng tăng trong thế giới ngày nay, tất cả đều liên quan chặt chẽ đến bối cảnh xã hội.

 

Mục tiêu của nghiên cứu được đặt ra là mô tả sự mất cân bằng giới tính trong hoạt động thể chất ở thanh thiếu niên từ các quốc gia thuộc Nam Bán cầu và điều tra mối quan hệ giữa bất bình đẳng giới trong PA với các yếu tố như bối cảnh, khu vực địa lý, chỉ số phát triển con người, chỉ số bất bình đẳng giới tính và tỷ lệ thất nghiệp. Các tác giả sử dụng phương pháp phân tích dữ liệu cắt ngang từ Dự án khảo sát sức khỏe học sinh toàn cầu tại trường học (Global School-Based Student Health Survey – GSHS). GSHS là một dự án hợp tác giữa WHO, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và các quốc gia tham gia thông qua sử dụng các phương pháp tiêu chuẩn hóa trên nhiều quốc gia để theo dõi các yếu tố nguy cơ và bảo vệ ở học sinh, được thực hiện ở các quốc gia ở Nam Bán cầu từ năm 2010 đến năm 2020 đối với thanh thiếu niên từ 13 đến 17 tuổi. Dự án GSHS thiết kế lấy mẫu 2 giai đoạn để xác định những người tham gia theo lớp học và trường học; mẫu khảo sát được chọn theo cụm và các lớp học mà học sinh từ 13–17 tuổi theo học sẽ được chọn ngẫu nhiên.

 

Kết quả nghiên cứu tại 64 quốc gia thuộc Nam Bán cầu cho thấy tỷ lệ tham gia PA ở học sinh nam trung bình cao hơn 6,7% so với học sinh nữ với khoảng dao động là 0,5%; tỷ lệ gộp chung cho tất cả các quốc gia cho thấy học sinh nam có tỷ lệ tham gia PA cao hơn trung bình 1,58 lần so với học sinh nữ; sự bất bình đẳng tuyệt đối và tương đối cao nhất được quan sát thấy ở các nước có thu nhập cao; các quốc gia có xếp hạng chỉ số phát triển con người cao và xếp hạng chỉ số bất bình đẳng giới thấp cũng cho thấy sự khác biệt lớn về giới tính trong tham gia PA.

 

Từ các kết quả thu được, các tác giả đưa ra các đánh giá sau: (1) Do học sinh nữ nói chung ít hoạt động hơn học sinh nam trên toàn cầu, những phát hiện của nghiên cứu này củng cố rằng những thay đổi ở cấp độ vĩ mô và vi mô cần được tích cực tìm kiếm để đặt mục tiêu tăng mức độ PA trong dân số ở tuổi vị thành niên và thúc đẩy cân bằng giới tính trong PA; (2) Có thể giả định rằng ảnh hưởng của xã hội đối với PA của nữ là bản chất mang tính  truyền thống của mỗi quốc gia; do đó, để thu hẹp khoảng cách giới tính trong PA, việc giải quyết các chuẩn mực xã hội nhằm khắc phục hạn chế đó và tăng cường sự đại diện của phụ nữ trong thể thao, khuyến khích trẻ em gái tích cực tham gia PA (3) Xếp hạng HDI và thu nhập quốc gia có mối tương quan chặt chẽ và thuận chiều vì các bất bình đẳng trong PA thường có liên quan với nhau đối với bất bình đẳng thu nhập; các nước có thu nhập cao cũng phải đối mặt với sự chênh lệch kinh tế lớn cũng dẫn đến tình trạng bất bình đẳng giới cao hơn ở các quốc gia có xếp hạng HDI cao hơn và ở các quốc gia có thu nhập cao.

 

(2) “Back to school after lockdown: The effect of COVID-19 restrictions on children’s device-based physical activity metrics” (Trở lại trường học sau đóng cửa: Ảnh hưởng của các hạn chế do COVID-19 đối với các chỉ số hoạt động thể chất của trẻ em dựa trên thiết bị đo), tác giả Liezel Hurter và các cộng sự, được công bố online ngày 26/01/2022, Journal of Sport and Health Science (SJR: Q1). Đại dịch COVID-19 đã gây ra sự gián đoạn chưa từng có đối với đời sống của tất cả mọi người, đặc biệt là trẻ em và thanh thiếu niên. Trên toàn thế giới, các chính phủ đã áp đặt các hạn chế COVID-19 (đóng cửa) đối với công dân của họ nhằm cố gắng làm chậm sự lây lan của vi rút. Việc đóng cửa các trường học, câu lạc bộ thể thao, trung tâm thể thao trong nhà, hồ bơi… dẫn đến việc hạn chế các hoạt động thể chất (PA), thói quen rèn luyện thân thể cho trẻ em và thanh thiếu niên.

 

Mục đích của nghiên cứu mà các tác giả đặt ra là xác định ảnh hưởng của việc đóng cửa và trở lại trường học sau COVID-19 đối với mức PA và cường độ hoạt động  của trẻ em, thanh thiếu niên thông qua sử dụng các thước đo gia tốc kế khác nhau. Khách thể nghiên cứu gồm 800 học sinh (8–18 tuổi), được phân theo giới tính, độ tuổi và tình trạng kinh tế. Các học sinh được đeo máy đo gia tốc Axivity AX3 trong 7 ngày vào tháng 2 năm 2021 trong thời gian đóng cửa và vào tháng 5 năm 2021 sau khi trở lại học tập. Tóm lược quá trình và kết quả nghiên cứu được trình bày trong sơ đồ dưới đây.

 

 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong thời gian đóng cửa, PA từ trung bình đến mạnh (Moderate-to-Vigorous Physical Activity – MVPA) là 38,4 ± 24,3 phút / ngày; thời gian ít vận động là 849,4 ± 196,6 phút/ngày… Sau khi trở lại trường học, mức PA tăng đáng kể (tất cả các biến p <0,001); một nửa khách thể nghiên cứu đáp ứng các hướng dẫn về tập luyện ít nhất 60 phút MVPA mỗi ngày trong suốt tuần. Việc thu thập số liệu ở thời điểm sau khi trở lại trường học cho phép so sánh giữa các giai đoạn khác nhau của đại dịch COVID-19; đồng thời kết hợp với việc sử dụng các số liệu gia tốc kế khác nhau, dẫn đến những hiểu biết mới về sự khác biệt của PA giữa trẻ em trai và trẻ em gái cũng như độ tuổi đa dạng của trẻ em và thanh thiếu niên tham gia trong nghiên cứu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc so sánh sự khác biệt rõ rệt ở trường tiểu học và trường trung học.

 

(3) “eSports: the need for a structured support system for players” (Thể thao điện tử: nhu cầu về một hệ thống cấu trúc hỗ trợ cho vận động viên), tác giả Hee Jung Hong và các cộng sự, được công bố online ngày 28/01/2022, European Sport Management Quarterly (SJR: Q2). Ngành công nghiệp thể thao điện tử (eSports) đã phát triển nhanh chóng trong thập kỷ qua và hiện được công nhận là một hiện tượng trên toàn thế giới. eSports cũng đã trở thành một chủ đề học thuật hấp dẫn trong quản lý thể thao với các nghiên cứu về sự phát triển eSports, mối quan hệ của nó với thể thao truyền thống cũng như xác định và hiểu eSports trong bối cảnh của ngành công nghiệp thể thao. Các nhà nghiên cứu từ các bộ môn khác cũng đã điều tra sức khỏe của người chơi eSports và các vấn đề liên quan và cho rằng các VĐV chuyên nghiệp gặp căng thẳng đáng kể trong quá trình tập luyện và thi đấu, do đó cần thiết phải nghiên cứu để xác định các nguyên nhân có thể xảy ra. Trong bối cảnh đó, Scholz (2020) đề xuất “Phân loại hệ sinh thái eSports” nhằm nêu chi tiết về các mối liên quan khác nhau của eSports và là một phần cơ sở lý thuyết của nghiên cứu về môn eSports. Phân loại hệ sinh thái eSports được thể hiện trong sơ đồ dưới đây.

 

 

Phân loại hệ sinh thái eSports (Scholz, 2020)

 

Bên cạnh đó, mô hình Sự nghiệp thể thao toàn diện (Holistic Athletic Career – HAC) do Wylleman và cộng sự (2013) nghiên cứu được các tác giả lựa chọn là cơ sở lý thuyết của nghiên cứu. Trong bối cảnh phát triển các môn thể thao hiện đại và thể thao truyền thống, các nhà nghiên cứu cho rằng cần phải hiểu sự phát triển nghề nghiệp của VĐV một cách tổng thể và đã đề xuất mô hình phát triển sự nghiệp thể thao toàn diện cho VĐV.

 

Mô hình hướng nghiệp thể thao toàn diện (Wylleman và cộng sự, 2013)

 

Từ cơ sở lý thuyết trên, các tác giả tiến hành nghiên cứu nhu cầu về một hệ thống cấu trúc hỗ trợ cho VĐV eSports nhằm mục đích xác định vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong việc đảm bảo sức khỏe và thể trạng của VĐV, khám phá quan điểm của họ về những đặc điểm chuyên biệt của eSports và các vấn đề liên quan đến tính chuyên nghiệp của các VĐV.

 

 

Ứng dụng mô hình HAC, các tác giả xác định nhu cầu của người tham gia eSports và đưa ra mô hình cấu trúc hỗ trợ theo các cấp độ của HAC, gồm: chương trình giáo dục (cấp độ học vấn), hỗ trợ tài chính từ các nhà tài trợ (cấp độ tài chính), nhu cầu đào tạo (cấp độ thể thao), nhu cầu để được hỗ trợ tâm lý và sức khỏe tâm thần (mức độ tâm lý), hỗ trợ xã hội từ gia đình và cộng đồng trò chơi (mức độ tâm lý xã hội). Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng về sự cần thiết của một mô hình phát triển toàn diện cho người chơi eSports, giúp hiểu rõ hơn về sự nghiệp và nhu cầu phát triển của VĐV eSports. Do đó, cần phải phát triển một mô hình phát triển toàn diện cho VĐV eSports nhằm hỗ trợ tốt hơn nhu cầu phát triển và nghề nghiệp của họ. Mô hình này cũng có thể hỗ trợ các nhà quản lý và các đội chuyên nghiệp trong việc phát triển các chiến lược và kế hoạch để tăng trưởng bền vững và phát triển môn eSports.

 

(4) “Wrist-worn devices for the measurement of heart rate and energy expenditure: A validation study for the Apple Watch 6, Polar Vantage V and Fitbit Sense” (Thiết bị đeo cổ tay để đo nhịp tim và tiêu hao năng lượng: Một nghiên cứu thẩm định đối với Apple Watch 6, Polar Vantage V và Fitbit Sense), tác giả Guy Hajj-Boutros và các cộng sự, được công bố online ngày 31/01/2022, European Journal of Sport Science (SJR: Q1). Mục đích của nghiên cứu nhằm thẩm định độ chính xác của 3 thiết bị đeo tay được sử dụng phổ biến gần đây (Apple Watch 6, Polar Vantage V và Fitbit Sense) để đo nhịp tim và mức tiêu hao năng lượng trong 5 hoạt động thể chất khác nhau ở cường độ từ trung bình đến mạnh.

 

Kết quả so sánh cho thấy Apple Watch 6 hiển thị mức độ chính xác cao nhất về nhịp tim với hệ số biến thiên CV dưới 5% cho tất cả 5 hoạt động; Polar Vantage V và Fitbit Sense thể hiện nhiều mức độ chính xác khác nhau (độ chính xác từ cao đến thấp) phụ thuộc vào loại hình hoạt động thể chất (CV lần lượt từ 2,44 – 8,80% và 4,14 – 10,76%). Đối với mức tiêu hao năng lượng, cả 3 thiết bị đều hiển thị độ chính xác kém cho cả 5 hoạt động thể chất (CV trong khoảng 14,68 – 24,85% đối với Apple Watch 6; 16,54 – 25,78% đối với Polar Vantage V và 13,44 – 29,66% đối với Fitbit Sense). Dựa trên những phát hiện này, các tác giả khuyến nghị: (1) Việc đánh giá mức tiêu hao năng lượng bằng cách sử dụng 3 thiết bị đeo trên cổ tay này chưa thể chấp nhận để sử dụng mức tiêu thụ năng lượng trong các nghiên cứu; (2) Các nhà sản xuất có thể cần phải đánh giá lại các thuật toán hoặc công nghệ để tăng độ chính xác của thiết bị trong đo lường mức tiêu thụ năng lượng trong các loại hoạt động thể chất khác nhau; (3) Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe, huấn luyện viên, vận động viên và người tập luyện thể thao nói chung có thể sử dụng một cách thận trọng về mức độ tiêu thụ năng lượng từ các thiết bị này trong quá trình tập luyện và điều chỉnh dinh dưỡng.

 

 

Theo: tapchithethao.vn

Nguồn: https://tapchithethao.vn/nhung-ket-qua-nghien-cuu-khoa-hoc-the-thao-moi-tren-the-gioi/