- A-
- A+
Ngoài việc gây ấn tượng với khả năng ghi chép bài hoàn toàn bằng tiếng Anh, cô nàng Đỗ Hoàng Phương Nhi còn khiến nhiều người bất ngờ khi chia sẻ mình không bao giờ học quá 10 giờ đêm.
Đỗ Hoàng Phương Nhi - sinh viên khoá 57 chương trình tiên tiến Kinh tế đối ngoại đã xuất sắc trở thành thủ khoa đầu ra trường Đại học Ngoại thương (FTU) năm 2022 với điểm GPA 4.0/4.0 (9.44/10). Trong đó, có 5 môn học Phương Nhi đạt điểm tuyệt đối trên thang 10 là: Kinh tế lượng, Xác suất thống kế, Sở hữu trí tuệ, Thuận lợi hoá thương mại và Kinh doanh quốc tế.
Infonet đã có cuộc trò chuyện cùng Phương Nhi xung quanh bí quyết học tập cũng như nỗ lực của cô nàng thủ khoa này.
Thủ khoa đầu ra ĐH Ngoại thương Đỗ Hoàng Phương Nhi |
Phương Nhi có thể chia sẻ lý do mình chọn ĐH Ngoại thương không? Được biết Nhi đạt chứng chỉ IELTS 8.0 và ghi chép bài hoàn toàn bằng tiếng Anh, vậy bí quyết học ngoại ngữ của em là gì?
Cấp 3 em học chuyên Văn, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Tại thời điểm tốt nghiệp cấp 3, đăng kí nguyện vọng vào ĐH, em chưa đủ trải nghiệm để biết được mình thực sự đam mê hay phù hợp với chuyên ngành nào.
Em thấy rằng trong xã hội hiện tại, dù chuyên môn là gì thì cũng nên có kiến thức kinh tế, kinh doanh thì mới có thể phát triển được, vậy nên quyết định sẽ theo khối ngành này. Trong các trường kinh tế thì FTU nằm trong top đầu của Việt Nam, cũng được đánh giá cao trong khu vực và thế giới, bởi vậy em chọn FTU vì khi vào một môi trường tốt, năng động như vậy em sẽ có nhiều cơ hội trải nghiệm, khám phá để tìm ra được hướng đi phù hợp với mình.
Khi chính thức thành sinh viên của FTU, em ghi chép bài trên lớp chủ yếu bằng tiếng Anh vì chương trình em học (Chương trình Tiên tiến Kinh tế đối ngoại) được giảng dạy bằng tiếng Anh 100% (trừ các môn lí luận chính trị).
Em nghĩ việc tiếp xúc và sử dụng tiếng Anh thường xuyên ở trên lớp cũng như trong đời sống thường ngày như xem phim, đọc truyện,… đã giúp mình có nền tảng tốt. Cách học thì em nghĩ mỗi người sẽ có phương pháp phù hợp riêng, nếu có gì có thể áp dụng chung được thì đó là tinh thần thoải mái, không áp lực.
Ngoài ra, khi học một ngôn ngữ thì mình cũng đang học về một nền văn hoá, nên nếu có thể tận dụng sở thích của mình để học thì sẽ vui hơn, ví dụ như em thích đọc truyện thì sẽ tìm bản gốc tiếng Anh để đọc.
Đặc biệt, thói quen học tập của em là không bao giờ học quá lúc 10 giờ đêm, đây là thói quen của em từ bé, chắc đồng hồ sinh học của em cũng quen với việc này.
Tới khoảng sau 10 giờ đêm thì em cảm giác sức tập trung của mình kém đi. Em dành thời gian thư giãn như xem phim, đọc truyện... rồi đi ngủ trước 12h đêm.
Mốc 10 giờ đêm này cũng khiến em có động lực tập trung giải quyết các việc cần làm hơn, đồng thời sắp xếp, chia nhỏ công việc ra các ngày, tránh bị dồn ứ để phải làm thâu đêm.
Nhi và gia đình tại buổi lễ trao bằng tốt nghiệp |
Nhi có thể chia sẻ bí quyết làm sao để học tập một cách có hiệu quả mà không mất nhiều thời gian?
Em cũng không có gì gọi là bí kíp cả, vì xác định ưu tiên hàng đầu là việc học nên em tập trung học, trên lớp nghe giảng, có bài về nhà thì làm đúng hạn, bắt đầu ôn thi trước 1-2 tuần để không quá áp lực về lượng kiến thức.
Em tránh bị áp lực từ các bạn đồng trang lứa bằng cách khi thấy thành tích của người khác thì luôn tự hỏi bản thân: Mình uốn đạt được không? Mình cần đạt được không? Mình có đủ điều kiện khách quan và chủ quan để đạt được không?
Nếu thoả mãn 2 điều kiện đầu và ít nhất là có đủ điều kiện khách quan thì em mới phấn đấu để đạt được thành tích giống người đó.
Nhờ xác định rõ như vậy nên em có thể tập trung vào những gì mình cần, muốn và có thể làm, không quá mất thời gian và công sức hoặc bỏ lỡ các cơ hội khác vì tiếc nuối cho một điều đã xảy ra.
Đó là định nghĩa của em về “hiệu quả”, còn tuỳ mọi người thấy như thế nào là hiệu quả thì sẽ có các cách thức thực hiện khác nhau.
Nhi cùng giáo viên hướng dẫn tại ĐH Ngoại thương. |
Ngoài việc giành học bổng khuyến khích học tập suốt 8 kỳ học, em còn giành được nhiều học bổng từ các doanh nghiệp. Làm sao để em giành được nhiều học bổng thế nhỉ?
Việc giành học bổng thì nhờ kết quả học tập tốt nên em nhận được, còn em hơi thiếu chủ động săn học bổng. Cũng vì vậy mà em lỡ mất đợt học bổng tư nhân đợt năm 1, năm 2. Em nghĩ nếu nhắm tới học bổng thì các bạn sinh viên nên có sự chủ động hơn.
Ngoài ra, mỗi học bổng sẽ có những tiêu chí riêng, và bên tổ chức cấp học bổng cũng sẽ có những giá trị cốt lõi riêng, mình cũng nên tìm hiểu kĩ về những điều này để tăng sự tương thích của bản thân với học bổng.
Thời gian tới, em dự định đi du học thạc sĩ tại Nhật Bản. Hiện tại em đang ứng tuyển học bổng, đã tới những vòng cuối, nhưng kết quả chính thức thì tới đầu năm sau mới công bố nên em chưa dám chia sẻ quá sớm.
Cảm ơn em về cuộc trò chuyện. Chúc em đạt được những dự định sắp tới!
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/nu-thu-khoa-gpa-40-khong-bao-gio-hoc-qua-10-gio-dem-419633.html
>