- A-
- A+
Theo các chuyên gia y tế, vải là thứ quả có nhiều tác dụng với sức khỏe, đặc biệt là bổ huyết nhưng khi ăn cũng cần chú ý.
Nôn nao, choáng váng vì ăn vải
Chị Nguyễn Minh Kiều (thành phố Thái Bình) vẫn không thể nào quên trận say vải 2 năm trước. Chị Kiều kể chị cùng chồng về quê leo lên cây tự hái và ăn, cảm giác được ăn vải sạch khiến chị vô cùng thích thú.
Tuy nhiên, 1 tiếng sau khi ăn vải, chị Kiều xuất hiện hiện tượng nôn nao, cồn cào và miệng muốn nôn ói, chân tay run lẩy bẩy như hạ đường huyết. Thấy chị có biểu hiện lạ, bác chị lại cho ăn thêm vài quả vải như “bổ sung đường” kết quả ngày càng tệ, chân tay không nhúc nhích được. Chị Kiều được đưa tới 1 phòng khám tư nhân để đo đường huyết và truyền máu. Lúc ấy đường huyết của chị giảm đột ngột, bác sĩ cho rằng do chị ăn vải nhiều nên bị say.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – nguyên Phó Giám đốc BV Tuệ Tĩnh, Hà Nội, hiện tượng “say vải” là do hàm lượng glucoza trong vải lớn. Nếu ăn một lúc khoảng từ 500g trở lên, một lượng lớn đường glucoza vào máu vượt quá khả năng hấp thu - chuyển hóa của gan, khiến cơ thể tiết Insulin tăng lên dễ làm hạ nồng độ đường máu xuống gây ra phản ứng đường máu thấp dẫn đến các biểu hiện như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt.
Theo TS Phạm Việt Hoàng – quả vải hay người ta còn gọi là quả lệ chi, theo quan điểm của Đông y, quả vải đặc tính đại nhiệt (hạt vải còn nhiệt hơn cả cùi vải nên cần thận trọng khi làm thuốc), cùi vải vị rất ngọt không độc. Vải có tác dụng ích tâm, ôn tỳ, tư thận, bổ huyết, dưỡng can, trừ phiền khát, làm tỉnh táo tinh thần, minh mẫn trí óc, tăng sức lực, tăng thân nhiệt, trừ hàn, tráng dương, tiêu thũng, làm đẹp nhan sắc.
Ảnh minh họa. |
Nhiều người có tâm lý sợ ăn vải nóng, ăn vải mọc mụn, ăn vải gây nhiệt. TS Hoàng cho rằng vải chỉ gây hại cho cơ thể thường là do người không khỏe, ăn quá nhiều hoặc không biết tạng mình nhiệt không thể hợp tính nóng của vải.
Theo các hướng dẫn trong đông y, TS Hoàng cho biết những người bệnh không biết kiêng kỵ khi đang có bệnh thuộc dương, có hỏa nhiệt, âm hư hỏa vượng đường huyết cao thì không nên ăn vải vì quả vải chứa hàm lượng đường cao ăn nhiều gây tăng đường huyết, gây nóng, mụn nhọt.
Những năm gần đây, y học hiện đại cũng đưa ra nhiều nghiên cứu về tác dụng của quả vải như trong cùi vải chứa chất flavonoid giúp chống lại căn bệnh chết người như ung thư. Nó còn chứa flavones, quercitin và kaemferol là các hợp chất cực mạnh làm giảm sự tăng trưởng của tế bào ung thư.
Công dụng của vải nữa đó khả năng tăng cường hệ miễn dịch. Trong vải chứa nhiều vitamin B, vitamin C chất chống oxy hóa cực hữu hiệu, giúp đẩy lùi các gốc tự do.
Ăn như nào cho đúng?
Khi ăn vải, TS Hoàng khuyến cáo nếu ăn quá nhiều cùng một lúc sẽ ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe nhất là đối với trẻ em và phụ nữ đang mang thai. Ngoài ra, nếu ăn nhiều vải có thể làm rối loạn chuyển hóa đường trong cơ thể, dẫn đến chứng “say vải”.
BS Lê Xuân Trung – BV Nhi Thanh Hóa cho biết ăn vải nói chung là tốt và có lợi cho sức khoẻ. Tuy nhiên, vẫn phải lưu ý một số vấn đề sau:
Khi ăn vải các bạn lưu ý không ăn những quả đã dập nát, nứt vì nguy cơ bị nhiễm độc nấm Candida trophicalis. Triệu chứng chủ yếu đường tiêu hoá - nôn nao, đau bụng, nôn mửa... một số ít có phát ban, sốt.
Ngoài ra, trong quả vải còn chứa 1 lượng acidamin Methylene cyclopropyl-glycine - MCPG). Loại axit này có thể gây hạ đường huyết đột ngột trong máu, đặc biệt nguy hiểm trong tình trạng đường huyết xuống cực thấp khi đói, dẫn đến viêm não cấp tính (AES). Do đó, không được ăn vải khi bạn đang đói, đặc biệt là trẻ em.
Khi ăn vải mỗi lần không nên ăn quá nhiều, người lớn chỉ ăn khoảng 10 quả, trẻ nhỏ chỉ nên ăn 3-4 quả 1 lần. Những người mắc bệnh táo bón, nhiệt, đái tháo đường... càng không nên ăn nhiều quả vải.
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/tac-dung-tuyet-voi-cua-qua-vai-nhung-can-chu-y-gi-khi-an-286132.html
>