2022-04-13 15:41:19
  • A-
  • A+

Nhắc nếp cái hoa vàng là nhớ đến món cốm non khi thu về, đĩa chè con ong ngọt bùi buổi sớm mùa xuân hay món bánh lòng thảo thơm ngày tết.

 

Nếp cái hoa vàng một năm chỉ cấy được đúng một vụ. Năm nào thu hoạch mẹ tôi cũng chọn đám ruộng tốt nhất, thóc mẩy nhất để làm giống cho mùa sau. Những bó lúa làm giống mẹ không đập ra mà chỉ tuốt bớt vỏ rơm, bó túm lại rồi treo lên dây phơi trước hiên nhà đến khi thật khô mới mang cất đi. Đến mùa gieo hạt, mẹ dùng cái muôi nhôm chải nhẹ cho thóc rụng ra rồi đem ngâm ủ.

 

Cốm lá sen

 

Ruộng để cấy nếp cái hoa vàng phải được cày sâu, bừa ngấu, cấy lúa úp tay rồi vun gốc cho lúa mau bén rễ. Mùa lúa trổ đòng, mỗi khi đi làm đồng về, mẹ thường tuốt cho tôi một nắm tròn như bó đũa. Bóc lớp vỏ trắng ngà, bông lúa non mềm ngọt trên tay. Mùa nếp cái trổ hoa, hoa vàng đung đưa trong nắng sớm, nhìn bông lúa dài, dầy hạt là biết năm đó được mùa. Lúa ngậm sữa rồi dần se lại đợi mùa cốm xanh biếc trong lá sen. 

 

Thóc nếp cái hoa vàng phải phơi thật dày trên sân gạch đỏ vì nếu phơi mỏng quá thóc sẽ bị khô và mất đi hương thơm. Nếu được phơi trong nắng hanh vàng, hạt gạo xát ra sẽ thơm nức cả lòng bàn tay. Vào dịp cúng giỗ, người làng tôi thường lấy thóc rang thành nẻ nếp, sàng lớp vỏ trấu đi, nẻ nếp trắng phau đẹp đẽ và thanh khiết đầy vun trên đĩa dâng lên bàn thờ gia tiên.

 

Hạt cốm xanh như ngọc

 

Khi gió mùa thu bắt đầu hây hẩy, tôi thường theo mẹ đi bứt lúa nếp bánh tẻ về nhà. Mẹ rang thóc trên chảo gang rồi giã trong cối đá, hạt cốm mỏng như lá me tung tẩy đầu nia. Nhón một miếng cốm dẻo thơm, nhâm nhi trong miệng thấy vị ngọt dịu tan dần, bàn tay khum khum giữ cốm cũng thơm lây. Đó có lẽ là món ăn chơi sang trọng nhất thời thơ ấu.

 

Sợi rơm vàng và xôi nếp dẻo thơm

 

Xôi đỗ

 

Những ngày mưa, mẹ tôi thường ngâm gạo rồi nấu chè con ong, đường hoa mai nấu chảy quyện với gừng sợi và hạt xôi bóng mẩy rắc thêm vừng rang thơm phức. Mẹ nấu xôi hoa cau cúng rằm, xôi đậu đen, xôi lạc gói trong lá chuối cho bố mang theo trong những chuyến đi xa.Cuối thu gặt lúa về nhà, lúa được đập trên cối đá để giữ lại lượm rơm cứng cáp. Rơm được giũ kỹ, tuốt bớt vỏ, bó túm lại rồi treo trên tường gió. Rơm nếp được nắng thơm lắm, vỏ rơm còn ánh xanh. Khi rơm khô thì đem bện chổi. Chổi rơm chắc tay, vàng óng. 

 

Món bánh lòng chỉ làng tôi mới có

 

Vui nhất là những ngày giáp tết, mẹ sẽ xát mẻ gạo ngon nhất, một phần để gói bánh chưng, một phần để đóng bánh lòng. 

 

Mẹ bảo có lẽ khi làm bánh, người ta đã bỏ vào đó tất cả tấm lòng thảo thơm. Gạo nếp mang nổ bỏng, nghiền nhỏ. Mẹ kho khô thịt nạc; sên mứt bí, mứt dừa; vừng rang, lạc rang giã dối. Mẹ nấu đường hoa mai với gừng giã nhỏ. Khi nước đường còn ấm, mẹ trộn tất cả nguyên liệu cùng bỏng gạo rồi từ từ rót nước đường vào. Nước đường vừa đủ để kết dính thì lấy khuôn ép bánh. Mẹ đặt bánh trong giấy điều dâng lên cúng tổ tiên rồi mới chia cho con cháu. 

 

Ngày mưa phùn gió bấc ăn miếng bánh lòng có vị ngọt thơm của mứt dừa, mứt bí, miếng thịt nạc dẻo dẻo hòa quện với bỏng gạo thơm bùi, ông tôi thường tấm tắc khen đó là món bánh ngon nhất trần gian. 

 

 

Theo: infonet.vietnamnet.vn

Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/gia-dinh/tu-van/thao-thom-nep-cai-hoa-vang-406486.html