- A-
- A+
Theo các bác sĩ, việc sờ tay lên mặt tưởng chừng là bình thường nhưng đây là cách bạn đã vô tình đưa virus, vi khuẩn vào cơ thể mình, làm nặng hơn các tổn thương ở da như viêm da, trứng cá...
Chị Nguyễn Thị Hải (Thành phố Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, con gái chị học lớp 11 nhưng mặt của cháu bị tình trạng trứng cá rất nặng đã chữa nhiều nơi nhưng được vài tuần lại đầy mặt.
Vì chữa nhiều không khỏi nên bản thân cô bé cũng “nản” còn bố mẹ nhìn da con thì xót xa. Khi đến bệnh viện khám, bác sĩ quan sát chỉ trong thời gian ngắn nhưng cô bé liên tục sờ sờ lên mặt và cậy mụn khiến mụn bị tổn thương viêm tấy đỏ. Đây chính là thói quen xấu khiến tình trạng trứng cá nặng, chữa mãi không khỏi.
Mẹ của bé cho biết, bé có thói quen từ trước bất cứ cái gì gồ ghề trên da là đưa tay lên cậy, từ bong môi cho tới trứng cá. Bé còn tự nặn, tự lấy ngòi bút nặn mụn như bạn mách. Dù đã được tư vấn rất nhiều nhưng không thể bỏ được.
Theo TS. BS Trần Nguyên Ánh Tú – Phó Trưởng Khoa Thẩm Mỹ Da, BV Da Liễu TP.HCM, tự nặn mụn, lể mụn sẽ làm tình trạng mụn càng trở nên trầm trọng hơn, lan rộng, nhiễm trùng, gây đau đớn, thậm chí dẫn đến tai biến sẹo rỗ rất khó điều trị phục hồi.
Sờ tay lên mặt - thói quen xấu cần bỏ. |
Do trong quá trình tự nặn, lể mụn tại nhà, bạn sẽ đẩy một số chất chứa bên trong các nốt mụn vào sâu trong da, làm quá trình viêm càng nhiều hơn, dẫn đến tình trạng mụn càng nặng hơn. Một số bạn còn có thể bị đau nhức và diễn tiến thành sẹo rỗ. Bên cạnh đó, khi tự nặn mụn, sờ tay lên da da bạn còn có nguy cơ bị nhiễm trùng từ các vi khuẩn bám trên bàn tay.
Khi bị mụn, việc điều trị cũng cần lưu ý. Đối với mụn đầu đen, mụn đầu trắng, bác sĩ sẽ áp dụng một số kỹ thuật “hút mụn” với các dụng cụ vô trùng, giúp nhân mụn được loại bỏ một cách an toàn. Việc lấy nhân mụn thường được áp dụng khi các phương pháp điều trị khác không làm sạch da được, hiếm khi là lựa chọn đầu tiên vì có thể gây mất thời gian và tốn kém cho bạn.
Lưu ý, các mụn đầu đen, mụn đầu trắng sau khi loại bỏ vẫn có thể tái phát lại, vì vậy bạn cần phải có kế hoạch chăm sóc da và điều trị phù hợp sau đó.
Còn đối với mụn dạng nang, nốt, gây đau nhức, bác sĩ sẽ tiến hành tiêm corticosteroid vào thương tổn. Thường các mụn này sau tiêm sẽ xẹp xuống trong vòng 48 đến 72 giờ, do tăng tốc độ lành thương và từ đó giảm nguy cơ hình thành sẹo rỗ.
Tuy nhiên, kỹ thuật tiêm corticosteroid có thể gây ra tai biến nếu lượng thuốc tiêm vào quá nhiều, vì vậy chỉ nên được thực hiện bởi các bác sĩ da liễu.
Đặc biệt với các mụn dạng nang, nốt có kích thước lớn, gây đau nhức nhiều thì cần phải rạch dẫn lưu bằng kim vô trùng hoặc lưỡi dao phẫu thuật. Mấu chốt để đạt hiệu quả tối ưu và an toàn chính là phải đánh giá đúng thời điểm khi nào cần thực hiện kỹ thuật này.
Khi bị mụn, bác sĩ Tú khuyến cáo:
Thứ nhất, khi bị mụn cần tránh chạm tay lên mặt.
Mọi người hay có thói quen sờ chạm tay lên mặt như một thói quen tự nhiên. Điều này có thể làm nặng hơn các bệnh da sẵn có như mụn trứng cá, chốc, nhọt… đặc biệt làm lây lan nhiều mầm bệnh truyền nhiễm như Covid - 19, cảm cúm, herpes simplex...
Nhiều chuyên gia về bệnh truyền nhiễm cảnh báo rằng mắt, mũi, miệng là cổng vào của các loại vi rút như Covid-19 và SARS vì vậy không sờ tay lên mặt. Các nghiên cứu cho thấy mỗi khi sờ tay lên mắt, mũi, miệng, bạn đã cho vi rút 11 cơ hội mỗi giờ để xâm nhập vào cơ thể mình.
Thứ hai, là đối với các mụn dạng nang, nốt, gây đau nhức, bạn có thể chườm đá giúp giảm viêm và giảm đau.
Thứ ba, có nhiều bạn chọn phương pháp làm sạch mụn thông qua việc mua sản phẩm trực tuyến hoặc tại các hiệu thuốc. BS Tú khuyến cáo việc điều trị mụn cần thời gian, nếu tình trạng của bạn không cải thiện hoặc nặng hơn sau 4 đến 6 tuần, hãy đến gặp các bác sĩ da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Theo: infonet.vietnamnet.vn
Nguồn: https://infonet.vietnamnet.vn/khoe-dep/suc-khoe/thoi-quen-cuc-ky-xau-vua-hai-da-vua-lay-nhiem-benh-so-tay-len-mat-401122.html
>